SỬA CHỮA NHÀ XUỐNG CẤP CÓ PHẢI XIN CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG KHÔNG?

Giấy phép xây dựng là một loại giấy tờ quan trọng để chủ đầu tư được phép xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Vậy nhà ở đã bị xuống cấp cần sửa chữa có phải xin cấp giấy phép xây dựng không? Nếu có thì thủ tục xin phép như thế nào? Đây là một vấn đề pháp lý nhiều gia chủ khi muốn sửa chữa nhà ở vẫn còn băn khoăn và lúng túng. Hãy cùng Kiến trúc Chú Kiến Thợ  tìm hiểu rõ vấn đề này qua bài viết sau đây.

Các trường hợp sửa chữa nhà ở phải xin giấy phép xây dựng

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Việc cấp giấy phép xây dựng nhằm đảm bảo Nhà nước có thể quản lý việc xây dựng theo quy hoạch, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan như bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc có giá trị,…


Trên cơ sở cấp giấy phép xây dựng, cơ quan nhà nước có căn cứ để kiểm tra, giám sát thi công, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, lập hồ sơ hoàn công,…

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, pháp luật cũng đưa ra một số công trình được miễn giấy phép xây dựng quy định tại khoản 2 điều này. Trong đó, có 2 trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở được miễn giấy phép xây dựng, bao gồm:

– Trường hợp 1: Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
– Trường hợp 2: Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
Như vậy, nếu không thuộc 02 trường hợp trên thì phải có giấy phép. Hay nói cách khác, khi sửa chữa, cải tạo nhà ở mà có những thay đổi sau thì phải có giấy phép:

– Làm thay đổi kết cấu chịu lực;

– Làm thay đổi công năng sử dụng;

– Làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

– Làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.


Các trường hợp sửa chữa đơn giản được miễn giấy phép giúp tiết kiệm thời gian cho người dân

Thủ tục xin giấy phép cải tạo, sửa chữa nhà ở

Để xin giấy phép cải tạo, sửa chữa nhà ở, gia chủ phải chuẩn bị 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở. Theo Điều 12 Thông tư 15/2016/TT-BXD, mỗi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo gồm các giấy tờ sau:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở.

2. Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật hoặc bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

Việc chuẩn bị đầy đủ và đúng hồ sơ giúp tiết kiệm tối đa thời gian và công sức

Trình tự thực hiện việc xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở được thực hiện lần lượt qua các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Chủ đầu tư gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi có nhà ở.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Nếu hồ sơ đầy đủ thì sẽ ghi giấy biên nhận và trao cho người nộp; Ngược lại, nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3. Xử lý yêu cầu

Bước 4. Trả kết quả

UBND cấp huyện trao cho chủ đầu tư Giấy phép kèm theo hồ sơ thiết kế trình xin cấp giấy phép xây dựng có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo Quyết định 838/QĐ-BXD ngày 29/8/2016).

Theo Thông tư 250/2016/TT-BTC, lệ phí cấp giấy phép xây dựng do HĐND cấp tỉnh quyết định nên lệ phí tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là khác nhau.

Trên đây, bài viết đã chỉ ra các trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở được miễn giấy phép và thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo. Mong rằng với các thông tin hữu ích trên, gia chủ có thể vận dụng dễ dàng vào thực tiễn cuộc sống và hoàn cảnh của bản thân và gia đình.

Bạn thấy nội dung này hữu ích?

Bấm vào ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Hãy đánh giá nội dung.

Bình luận