Đây là một biện pháp quan trọng trong quá trình thi công các công trình ngầm, gây khó khăn cho các nhà thi công, đôi khi gây ức chế với các cấu trúc phức tạp, làm đau đầu các nhà quản lý dự án, bởi chẳng hiểu làm sao đã tuân thủ đúng quy trình xử lý mạch dừng nhưng vẫn bị rò rỉ nước. Chúng ta cùng xem qua một vài nguyên nhân, để hiểu thêm về nguyên lý thi công các loại mạch dừng này, từ đó sẽ có những giải pháp tốt hơn cho mỗi cấu trúc mà chúng ta xây dựng.
Chúng ta xét qua các phương án cho hạng mục này:
1- Dùng dải thép lá dầy 3 ly rộng 20 – 30 cm.
2- Dùng dải nhựa chặn nước chuyên dụng Waterstop PVC (hoặc dải cao su).
3- Dùng sợi dừng nước chuyên dùng Waterstop bentonite, hoặc sợi gốc cao su, thanh trương nở Hyperstop DB2015.
4- Dùng xi măng hòa nước tưới lên mạch dừng trước khi đổ bê tông.
5- Dùng các loại vật liệu kết nối như dạng keo.
Chúng tôi xin đưa ra những ưu nhược điểm của từng loại phương án thi công trên.
Phương án 1: Dùng thép tấm 3 ly dặt ở mạch dừng
Đây là phương án từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đó Việt Nam còn ảnh hưởng từ những tiêu chuẩn Liên Xô cũ, khi xử lý mạch dừng người ta dùng một lá hợp kim đồng kích thước như trên, dùng chặn nước mạch dừng thi công, đây là vật liệu chặn nước rất tốt, bởi hợp kim này không dễ bị hư hỏng hoặc bị ăn mòn, chúng bám dính với bê tông tốt nhưng tốn kém, không mấy kinh tế. Sau khi Liên Xô tan rã, chúng ta không còn các loại vật liệu này, chắc trong lúc khó khăn các nhà thiết kế đã dùng tôn 3 ly thay thế. Giải pháp này xem ra chẳng dựa trên tiêu chuẩn nào, mà đơn giản chỉ là “sáng kiến” cẩu thả trong cách suy luận, thiếu khoa học, bởi trên thực tế, không có cơ sơ nào chứng minh tính bám dính của 1 tấm tôn trơn tuột với bê tông, hơn nữa tấm tôn lá này bị ăn mòn, rỉ sét nhanh đến không kịp hiểu. Nếu cho giả thuyết rằng tấm tôn này không bị rỉ, thì việc chủ đầu tư cũng phải đối mặt với công trình bị rò rỉ do nước chảy lưng tấm tôn này do quá trình co giãn của bê tông theo thời gian.
Phương án 2: Dùng dải nhựa chặn nước chuyên dụng Waterstop PVC
Đây là phương án dùng dải PVC chặn nước mạch dừng chuyên dụng, về mặt lý thuyết dùng những vật liệu này là hoàn toàn chính xác. Xong trong thực tế người ta thường sử dụng chúng không đúng, do không nắm bắt được tính chất công dụng của mỗi mẫu, dẫn đến việc áp dụng vật liệu này còn hạn chế, không phát huy được hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta cùng xem nguyên nhân vì sao đã dùng vật liệu chặn nước chuyên dụng mà vẫn phải bỏ tiền sửa chữa, “chưa xây xong đã hỏng”. Chúng ta xem qua một số mẫu thông dụng và cách đặt dải chặn nước PVC này trong bê tông. Để trả lời cho câu hỏi vì sao nêu trên, chúng ta cùng nhau đi vào một vài nguyên nhân cơ bản của sự việc này như sau:
Nguyên nhân đầu tiên là chọn phương án sai:
Chúng ta nên hiểu và ghi nhớ rằng các dải chặn nước PVC hoặc cao su nói chung dùng cho các cấu kiện bê tông khối lớn thì sẽ tốt hơn, sẽ ít chịu rủi ro hơn, so với việc dùng chúng vào các cấu trúc bê tông nhỏ, hoặc phức tạp, bởi đối với hạng mục bể nước ngầm mà chúng ta đang quan tâm thì việc dùng dải chặn nước PVC là không mấy hợp lý, do thành bê tông có chiều dày hạn chế từ 20 – 25cm, hơn nữa trong quy trình thi công bể khoảng cách quy định giữa cốt thép và bề mặt ngoài của bê tông là 4cm, khoảng cách còn lại của bê tông thành bể còn bị chi phối bởi cốt thép dày đặc, dây buộc neo định vị dải chặng nước….v.v. Trong lúc cốt thép dày, thành bê tông hẹp, khi đổ bê tông sẽ là khó khăn để kiểm soát được dải PVC có còn nằm thẳng trong mạch ngừng hay không, có bị bê tông bên nhiều bên ít gây ra việc dải chặn nước bị đổ ngã, kết hợp với đá cốt liệu tạo ra những ổ bọng rỗ trong mạch dừng bê tông làm mất tác dụng chặn nước của dải PVC.
Nguyên nhân thứ 2 là do thi công:
Khi ghép cốt fa đổ bê tông thành bể, theo đúng quy trình thì độ cao của ván khuôn là từ 1 – 1.5m nhưng do tiện lợi và tính kinh tế, hay vì bị ép tiến độ, nhà thi công thường ghép cao hơn quy trình thi công quy định từ 2.5 – 4m. Khi đổ bê tông với ván khuôn cao như vậy, thì đá cốt liệu sẽ rơi xuống trước và đọng thành lớp phía dưới, trong khi nước xi măng thì nổi ở trên. Điều tất yếu xảy ra là rỗ khoảng 20cm phần chân mạch ngừng là điều dương nhiên, bất chấp những nỗ lực đổ bằng máng, dùng phụ gia siêu hóa dẻo đã trộn trong bê tông, cũng như đầm dùi xa tầm. Đó là còn chưa nói đến việc ghép cốt fa không kín làm mất nước bê tông gây bọng rỗ, trong một số trường hợp còn do các đầu thép thừa không xử lý, hay các loại bao xi măng, nilông, gỗ, ván ép… v.v các loại người ta nhét vào khe giữa bê tông nền và cốt fa để làm kín nhằm tránh mất nước bê tông, nhưng sau khi đổ xong thì tất cả những thứ đó lại là nguyên nhân chung của việc thi công gây rỗ, thấm…v.v. Đây là việc thuộc diện “biết rồi, khổ lắm , nói mãi” của nhà thầu.
Phương án 3: Dùng sợi dừng nước chuyên dùng Waterstop bentonite, hoặc sợi gốc cao su
Phương án lắp đặt cơ bản Sợi dừng nước bentonite là một hợp chất gốc sodium bentonite linh hoạt, được thiết kế để thay thế cho các sản phẩm dừng nước PVC thụ động, nó đáp ứng được đòi hỏi của mọi bề mặt cũng như các mạch nối phức tạp khác bằng cách dán hoặc đóng đinh. Vật liệu này khá nhẹ, cuộn mềm dẻo thích hợp dùng cho mọi bề mặt, nó được dính chặt lên bề mặt bê tông, ống nhựa, ống thép… được dùng làm Gioăng dừng nước cho các mạch nối cấu trúc bê tông. Vật liệu này liên tục hàn gắn bằng việc trương nở từ 200 – 300% khi tiếp xúc với nước, nó tạo thành một rào chặn nước. Sự trương nở này cho phép nó trám được hoàn toàn các khe hở cũng như các vết bọng rỗ nhỏ nhỏ thường xuất hiện trong mạch ngừng bê tông. Như vậy nó loại bỏ khả năng nước đi qua hoặc chạy dọc theo cấu trúc. Do có cấu tạo dạng sợi nhỏ nên chúng không làm chật hẹp cho các cấu trúc phức tạp, với mật độ cốt thép dày, hạn chế tối đa việc chia ngăn đổ ngã gây bọng rỗ như dải PVC thụ động.
CHÚ Ý: Nhược điểm của loại vật liệu này là thi công trong điều kiện khô ráo, không lắp đặt khi trời mưa, và phải thi công trong phạm vi 3 – 5 ngày kể từ ngày lắp đặt, nếu không, chúng sẽ giảm tính năng trương nở do tiếp xúc với độ ẩm…v.v.
Phương án 4: Dùng xi măng hòa nước tưới lên mạch dừng trước khi đổ bê tông
Đây là phương án của các nhà “thầu vườn” chuyên dùng cho các mạch dừng thi công, bởi kinh nghiệm cho thấy rằng khi đổ nước xi măng vào mạch dừng thì hạn chế được hiện tượng bộng rỗ chân mạch, như vậy nước sẽ không rò rỉ ngay, nhưng khi họ rửa bay lấy tiền thì chủ đầu tư lãnh đủ vì bị nước rò rỉ toàn bộ mạch dừng đó. Đây là chuyện xảy ra nhiều ở các công trình nhà ở tư nhân là chủ yếu, chúng ta không bàn nhiều về việc này, chỉ lướt qua để hiểu thêm một cách đặt vấn đề mà thôi.
Phương án 5: Dùng các loại vật liệu kết nối như dạng keo, epoxy, polyme.
Phương án này khá hiệu quả và chỉ dùng được cho các hạng mục sửa chữa bê tông, liên kết bê tông cũ mới, hoặc xử lý các dạng mạch dừng có thể tiếp cận trực tiếp như bê tông sàn mái, đầu trụ và sàn, một số loại vật liệu này có thể làm vật liệu liên kết bê tông với các loại vật liệu khác trong cấu trúc xây dựng như ống nhựa, ống thép xuyên sàn, nhằm ngăn chặn việc chảy nước lưng ống… Xong không thể dùng cho mạch dừng bê tông bể ngầm mà chúng ta đang bàn.
KẾT LUẬN: Qua phân tích từng phương án nêu trên chúng ta có thể đi đến kết luận: Phương án xử lý mạch ngừng thi công các công trình bể ngầm hoặc nửa ngầm là phương án 3, bởi nó đáp ứng đúng yêu cầu tốt hơn những phương án khác.
Nguồn: T.H