NHÀ ĐẤT MÉO, ĐẤT TRŨNG DỄ NGẬP ÚNG: XÂY SAO CHO ĐẸP?

Không ai muốn căn nhà của mình nằm trên mảnh đất méo hoặc không bằng phẳng, nhưng vì nhiều nguyên nhân về kinh tế, vị trí, di chuyển… nhiều gia đình buộc phải “thỏa hiệp” với những mảnh đất này. Vậy nhưng không phải cứ đất méo là hết cách. Các gia chủ Việt có thể tham khảo một vài phương án xử lý nhà đất méo, đất trũng dễ ngập úng trong những gợi ý thiết kế sau.

Bài viết liên quan:

1. Hoàn thiện nhà gồm những hạng mục nào?

2. Nhà ở xuống cấp: Nên cải tạo hay xây mới?

Góc méo (ngoài cùng bên trái) được thiết kế làm khu vực rửa tay, để đồ

Xử lý góc méo, góc vát chéo

Đầu tiên, muốn sinh sống thuận tiện trong nhà đất méo thì cần phải “nắn” lại những góc méo, nhằm tạo điều kiện để cân chỉnh lại không gian trong nhà vuông vắn nhất có thể.

Có 2 giải pháp để xử lý và tận dụng góc nhà méo.

– Một là thiết kế góc méo thành các công trình phụ như phòng vệ sinh, phòng thay đồ, kho chứa đồ, phòng giặt… nhằm tận dụng không gian “không méo” để bố trí các công năng chính.

– Hai là thiết kế góc méo thành không gian tiểu cảnh, giếng trời, hoặc bố trí thành một khoảng sân vườn để tối ưu ánh sáng tự nhiên.

Tùy theo nhu cầu thực tế, gia chủ có thể tận dụng các góc nhà méo để bố trí không gian phụ. Phương án này sẽ giúp gia chủ “triệt tiêu” được các góc méo, các đường gấp khúc và “nắn” lại không gian chính một cách vuông vắn hơn.

Tận dụng góc méo để làm công trình phụ là cách để “nắn thẳng” lại không gian bên trong nhà

Nếu vì điều kiện của khu đất mà bắt buộc phải đưa góc méo vào không gian sống, hoặc đối với những căn nhà không thể thiết kế công trình phụ bù vào các góc méo (ví dụ góc méo đã có sẵn trong phòng ngủ), gia chủ có thể xử lý bằng cách sử dụng đồ nội thất hoặc các vật dụng trang trí phù hợp. Có thể thiết kế và sắp đặt linh hoạt đồ đạc để tạo ra góc vuông cho căn phòng.

Lưu ý, nên sắp đặt nội thất hoặc đồ dùng để tránh hướng nhìn trực tiếp của gia chủ vào những góc méo. Ví dụ: có thể kê giường hoặc bàn ghế quay lưng về phía góc méo để gia chủ có tầm nhìn hướng về phía góc vuông đẹp. Theo quan niệm phong thủy, điều này sẽ giúp gia chủ bớt cảm giác khó chịu, bí bách, công việc và đời sống sẽ được hanh thông thuận lợi hơn.

Xử lý đất trũng, đất dễ ngập úng

Để giải quyết tình trạng ngập úng, cách hữu hiệu nhất là nâng độ cao mặt sàn tầng trệt lên cao hơn mực nước ngập cao nhất hàng năm (tùy thuộc vào địa hình của từng địa phương). Ví dụ: nền nhà phải được nâng cao hơn 60cm so với mặt đường và cao hơn 30cm so với sân để tránh ngập. Đối với những khu đất yếu, gia chủ có thể lựa chọn biện pháp gia cố móng nhà bằng cách: tăng độ sâu móng nhà, tăng diện tích móng, sử dụng nhiều loại cọc móng khác nhau (cọc xi măng, móng bê tông cốt thép, móng cọc đá…). Dù cách làm này sẽ tốn thêm khá nhiều chi phí, song gia chủ có thể yên tâm phần nào về độ bền chắc của căn nhà.

Nâng nền là giải pháp xử lý trực tiếp và hữu hiệu nhất đối với khu đất trũng

Gia chủ nên để dành một khoảng diện tích tiếp giáp cho không gian sân vườn, thiết kế bậc tam cấp bằng vật liệu bền chắc như đá tự nhiên để tránh ngập lụt. Đồng thời, chú ý thiết kế đường thoát nước sao cho có độ dốc hợp lý.

Các không gian chức năng chính như phòng khách, bếp… nên được chuyển lên tầng 2 để đảm bảo dù chẳng may có ngập lụt cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt chính của gia đình.

Trên đây là một số gợi ý cơ bản để xử lý bài toán xây nhà trên đất méo, đất trũng dễ ngập úng. Tùy vào điều kiện khu đất khác nhau mà gia chủ nên lựa chọn phương án xử lý phù hợp. Nếu cần thiết, các gia chủ cũng nên liên hệ với KTS địa phương để tham khảo ý tưởng và nhờ trợ giúp, bởi họ thường là những người nắm rõ tình hình khu đất và các biện pháp giải quyết nếu cần.

Bạn thấy nội dung này hữu ích?

Bấm vào ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Hãy đánh giá nội dung.

Bình luận