Không chỉ là nơi để ở, ngôi nhà đôi khi còn biến thành chỗ dạy học của những người làm nghề giáo.
Một ví dụ là ngôi nhà trên mảnh đất 60 m2 ở huyện An Dương (Hải Phòng) của hai vợ chồng giáo viên mỹ thuật.
Từ một ngôi nhà xuống cấp, công trình được em trai của chủ nhà sửa lại rộng rãi và đầy ánh sáng. Tầng trệt trở thành xưởng vẽ cho thiếu nhi, sử dụng ba loại gạch sàn khác nhau nhằm đem tới sự gần gũi và sinh động
Căn hộ 70 m2 ở một khu tập thể cũ thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) cũng được cải tạo lại cho gia chủ làm giáo viên tiếng Nhật. Yêu cầu của gia chủ là không gian vừa riêng tư vừa sôi động.
Một phòng được sử dụng làm chỗ dạy tiếng Nhật tại gia cho chủ nhà. Các bức tường đặc được chuyển thành tường gạch kính, lấy thêm sáng vào các phòng đồng thời tạo hiệu ứng thị giác.
Ở Bắc Ninh, ngôi nhà trên mảnh đất 6,3 m x 12 m của đôi vợ chồng cùng làm giáo viên gây ấn tượng bởi hệ ban công kết hợp bồn cây được bố trí so le theo chiều đứng của công trình.
Trong nhà, phòng học được bố trí ở tầng hai và tầng bốn, gần thông tầng và chỗ trồng cây xanh nên thoáng đãng, đem tới sự thư giãn cho con người.
Đôi vợ chồng giáo viên ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) chọn phong cách thô mộc cho ngôi nhà 2 trong 1 của mình.
Tường gạch nung được sử dụng làm điểm nhấn cho khoảng thông tầng đồng thời phân tách không gian giữa khối tĩnh (khối phòng ngủ, dạy học) với khối động (phòng khách bếp và các không gian phụ trợ).
Gia chủ không sử dụng tivi mà bố trí một phòng sách lớn ở tầng ba.
Ngôi nhà hai tầng ở Huế không có cầu thang vì gia chủ là một cô giáo ngồi xe lăn. Trong tổ ấm đặc biệt này, gia chủ tự mình dạy học, nấu ăn và chăm sóc vườn cây.
Chỗ dạy học của gia chủ đặt ở tầng một, tách biệt với không gian nghỉ ngơi trên tầng hai và nhìn ra khu vườn xanh mát.
So với các công trình trên, căn hộ 105 m2 của hai vợ chồng nghệ sĩ ở quận 2 (TP HCM) đơn giản, ít đồ nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu vừa ở vừa dạy.
Góc dạy piano tại gia của người vợ được xếp gọn vào một bức tường, gần ánh đèn vàng và bàn gỗ để tạo cảm giác ấm áp.
Theo VNE