Tầng tum là một không gian phổ biến trong kiến trúc nhà ở tại Việt Nam. Tầng tum thường không sử dụng hết diện tích mặt bằng để xây dựng mà chỉ là một phần che chắn tại sân thượng. Vậy tại sao lại chỉ xây tum mà không xây luôn thêm một tầng nữa?
Hiểu về thiết kế của tầng tum
Tầng tum là khu vực xây dựng trên cùng của ngôi nhà dùng để che chắn khu vực cầu thang. Tầng tum có nhiều công năng sử dụng như: sân thượng phơi đồ, phòng giặt, phòng thờ, phòng ngủ hay nhà kho. Tầng tum là cách gọi phổ biến tại miền Bắc, còn ở miền Trung người ta gọi khu vực này là “chuồng cu” và miền Nam gọi là “sân thượng”.
Tầng tum là kiểu thiết kế phổ biến trong nhiều căn nhà ống hiện nay nhờ sự đa dạng về công năng
Chiều cao tối đa của tầng tum được quy định là 3m và diện tích xây dựng không vượt quá 30% sàn mái. Nếu vượt quá các thông số trên tầng tum được tính vào số tầng nhà của công trình.
Diện tích tầng tum chỉ được chiếm tối đa 30% diện tích mặt bằng
Trước đây, tầng tum được xây dựng phổ biến trong kiến trúc nhà ở nông thôn. Tuy nhiên, trong xu thế xây dựng hiện đại, tầng tum được ưa chuộng thiết kế ở hầu hết các căn nhà phố bởi những ưu điểm mà tầng tum sở hữu so với một tầng thông thường.
Ưu điểm của tầng tum so với một tầng nhà
Tiết kiệm chi phí
So với việc xây dựng một tầng hoàn chỉnh, ngân sách xây dựng tầng tum lại tiết kiệm hơn trong khi vẫn có thể mở rộng công năng sử dụng cho gia đình. Với nhiều gia đình, để tối ưu ngân sách, thay bằng việc đổ mái bằng, gia chủ lựa chọn lợp mái tôn hoặc lựa chọn các vật liệu xây dựng có chi phí tiết kiệm hơn.
Một chàng trai Sài Gòn đã cải tạo tầng tum để cơi nới không gian sống tiện nghi chỉ với 30 triệu
Chống nóng
Với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Việt Nam thì tầng tum chính là giải pháp chống nóng lý tưởng cho những tầng bên dưới. Việc sử dụng trần cách nhiệt hay tôn chống nóng sẽ không hiệu quả như tầng tum.
Nhiều gia chủ mang một hệ sinh thái xanh lên tầng tum để giảm nhiệt cho những tầng bên dưới
Tạo sự cân đối cho chiều cao nhà
Với nhiều hộ gia đình, hai tầng là đủ không gian cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên, nhà hai tầng lại có chiều cao tương đối khiêm tốn, không tạo được cảm giác về sự bề thế. Bên cạnh đó, trong phong thủy, số 2 là số chẵn, mang ý nghĩa không tốt. Vì thế, nhiều gia chủ lựa chọn xây thêm tầng tum để có được sự phù hợp về mặt phong thủy.
Nhà hai tầng có thêm một tum trông sẽ bề thế và không bị lép vế với các công trình khác trong khu vực
Tăng khả năng thông sáng
Ánh sáng luôn là một vấn đề quan trọng trong thiết kế. Khi kết hợp với giếng trời hay khoảng thông tầng, tầng tum sẽ giúp đưa được nhiều ánh sáng tự nhiên và không gian sinh hoạt hơn.
Tầng tum kết hợp khoảng thông tầng là giải pháp thông sáng hiệu quả
Mở ra khoảng thư giãn trên sân thượng
Ngày nay, nhiều gia chủ xây dựng tầng tum và sân thượng để tạo ra một không gian thư giãn cho gia đình như: trồng cây cảnh, nuôi chim chóc,… So với một tầng nhà, tầng tum mở ra khoảng không kết nối với tự nhiên, giúp gia chủ cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất giữa cuộc sống đô thị với mật độ dân cư dày đặc.
Tầng tum của công trình này như một mảnh vườn trên cao
Những ý tưởng đáng tham khảo khi thiết kế tầng tum
Tầng tum với thiết kế rỗng trong mang lại điểm nhấn khác biệt so với các tầng bên dưới
Tầng tum kết hợp vườn treo mang đến nhiều khoảng xanh hơn cho công trình
Thiết kế cột mang lại điểm mới lạ cho tầng tum khi nhìn từ hai bên hông nhà
Tầng tum với thiết kế giàn khung sắt nổi bật
Theo Happynest