HÀ NỘI – Mê trồng trọt nên khi về hưu, cô Dương Kim Liên (60 tuổi, ở Long Biên) học hỏi trên mạng và nhờ con gái tư vấn để biến sân thượng 80 m2 thành một vườn rau xanh mướt.
Đầu năm nay, cô Liên bắt đầu làm vườn trên sân thượng tầng 7. Ban đầu, gia đình dự định trồng cây cảnh nên đã làm giàn, chống thấm kỹ càng. Khi hoàn thiện, cô bàn với chồng làm vườn rau để có thực phẩm sạch, lại được thường xuyên vận động để cải thiện sức khỏe.
Đất trồng được trộn theo công thức: 40% đất thịt, 40% chất làm đất tơi xốp (tro, vỏ lạc, xơ dừa), 20% phân hữu cơ (phân bò hoai mục, phân trùng quế, vỏ trứng xay) và một ít trichoderma (chế phẩm có tác dụng tấn công, ký sinh và ức chế nhiều loại nấm).
Trong quá trình trồng, cô Kim Liên ủ hỗn hợp gồm: bột đỗ tương xay, cám gạo, đất đã qua xử lý, vỏ trứng xay, nấm Trichoderma, Emuniv, phân lân, rỉ mật pha với nước. Hỗn hợp ủ vào thùng đậy kín, tạo thành phân hữu cơ bón thêm vào gốc rau. Ngoài ra, cô làm dịch chuối gồm vỏ chuối, vỏ trứng gà xay và nước, pha tưới cho rau.
Theo cô Kim Liên, bí quyết để có vườn rau sạch, tươi tốt là giá thể phải sạch, nắng và độ ẩm hợp lý.
Để tận dụng diện tích trên cao, cô đặt mua hàng chục chậu có móc treo để trồng thêm rau. Các chậu treo giàn và chậu nhựa đều được đặt hàng từ Trung Quốc về.
Ngoài ra, khu vườn có mái che nilon và mái lưới cước Đài Loan, đều thiết kế tự động. “Mùa hè nếu nắng quá thì che mái lưới, mưa dày hạt thì che nilon. Nhờ thế, ánh sáng, độ ẩm trên vườn luôn phù hợp cho rau phát triển”, cô nói.
Thời gian đầu, rau của cô Kim Liên bị sâu phá, chết nhiều do bón phân quá mặn. Mỗi tối, cô đều lên các hội, nhóm yêu làm vườn trên mạng xã hội, nhờ tư vấn.
Kinh nghiệm được tích lũy dần. Những luống rau bắt đầu phát triển tươi tốt như ý muốn của bà chủ vườn. Giai đoạn đầu đông này, rau diếp cá, rau cải đang trổ lá, xanh ngắt trên vườn, xu hào đã cho củ. Ngày vài lần, vợ chồng cô lại lên bắt sâu, nhổ cỏ.
Cô ngâm nước gừng, tỏi, ớt phun trị sâu và nấu nước với thuốc lào để nguội phun trị bọ, mạt. Tuy nhiên, theo cô Liên, giải pháp hiệu quả nhất để trị sâu vẫn là truy vết và tiêu diệt bằng tay.
Cô Kim Liên xen canh, tăng vụ, trồng các loại rau khác nhau trong cùng một luống để tận dụng đất và giúp ấm gốc cây chính. Khi su hào, bắp cải, súp lơ bén rễ, cô rắc cải mơ Hoàng Mai vào khoảng trống giữa các cây.
Ngoài các loại rau ăn lá, cô giáo về hưu trồng cà chua, cà pháo, bầu, bí, dưa lê, dưa hấu… Trên vườn cũng có nhiều cây ăn quả như khế, sung, quýt. Những ngày giãn cách xã hội, vườn không chỉ cung cấp rau xanh đủ cho gia đình mà còn có để cô Kim Liên tặng hàng xóm.
Khu vườn là không gian để gia đình sống giữa phố của cô Liên (thứ hai, bên phải) thấy gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ. Các cháu cô hiểu được để có những bữa rau sạch, phải vất vả, đổ mồ hôi thế nào, từ đó trân trọng sức lao động của ông bà, bố mẹ hơn. “Sức khỏe tôi yếu, nhờ làm vườn sân thượng mà tốt hẳn lên”, cô nói.
Theo VNE