Khi cải tạo phòng tắm, chủ nhà thường mắc phải các lỗi như không lập kế hoạch, bỏ toàn bộ nội thất cũ… dẫn tới vượt chi phí dự kiến.
Cải tạo nhà nói chung, phòng tắm nói riêng đều cần lên kế hoạch kỹ lưỡng, dự trù kinh phí… để hạn chế các hoạt động phát sinh, gây hao tổn tiền bạc và thời gian. 7 điều dưới đây là những việc nên tránh khi cải tạo phòng tắm:
Không lên kế hoạch cụ thể
Phòng tắm là một không gian nhỏ trong căn nhà nhưng nó có cụm thiết bị dày đặc với các chức năng đặc biệt quan trọng. Do đó, quyết định một cách ngẫu hứng là điều không thể áp dụng khi cải tạo không gian này. Việc tu sửa không kế hoạch sẽ dẫn tới tình trạng vượt mức chi phí cần thiết.
Để cải tạo phòng tắm hiệu quả hơn, chủ nhà nên lập kế hoạch rõ ràng.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả cải tạo và tiết kiệm hơn, chủ nhà cần lên kế hoạch cụ thể về các hạng mục cần sửa chữa, làm mới, nhu cầu cá nhân… trước khi liên hệ với nhà thầu xây dựng hay công ty thiết kế.
Luôn chọn đồ đắt tiền
Cách tốt nhất để tối ưu chi phí cải tạo phòng tắm là chọn nội thất tùy theo điều kiện tài chính của gia đình. Theo đó, không phải các sản phẩm đắt tiền nhất sẽ là thiết bị tốt nhất cho gia đình, thay vào đó là các sản phẩm có mức giá và tính năng phù hợp nhất với không gian và mục đích sử dụng của các thành viên.
Ví dụ, buồng tắm đứng có khung chắc chắn hơn loại không khung nhưng loại không khung lại mang đến giá trị thẩm mỹ cao hơn. Trên thực tế, buồng tắm không khung sẽ có mức giá cao hơn các loại buồng tắm còn lại. Do đó, hãy xem xét nhu cầu của các thành viên trong gia đình để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất.
Tương tự với các thiết bị khác, chủ nhà nên chọn sản phẩm phù hợp nhất thay vì đắt nhất.
Thay thế toàn bộ nội thất
Thay thế toàn bộ nội thất sẽ khiến chi phí thi công, sửa chữa, vận chuyển và mua sắm tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, nếu phòng tắm nằm sâu hơn các phòng khác, việc thay mới toàn bộ nội thất không chỉ ảnh hưởng về vấn đề tài chính, việc di chuyển vật liệu ra, vào cũng sẽ khó khăn hơn và làm bẩn ra các căn phòng khác.
Với các nội thất vẫn hoạt động tốt, chủ nhà có thể sơn lại, đánh bóng… để làm mới và phù hợp với các thiết bị sau cải tạo.
Nếu thiết bị còn hoạt động tốt, chủ nhà nên tái sử dụng để tiết kiệm chi phí. Ảnh: dlinca – Getty Images
Bỏ qua thiết bị thông gió
Khi không có quạt thông gió, phòng tắm dễ bị tích tụ độ ẩm quá mức, làm tăng nguy cơ làm hỏng tường, sàn, trần, cũng như đồ đạc trong phòng tắm, gây nứt vỡ các vật liệu nội thất trong phòng như tường, sơn tường, đồ trang trí, thậm chí là cửa ra vào. Bên cạnh đó, không khí ấm nóng, ẩm ướt khi tắm là môi trường hoàn hảo cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, để có một phòng tắm an toàn cho sức khỏe và tiết kiệm chi phí khi không có cửa sổ, chủ nhà cần lắp đặt thiết bị thông gió.
Ngoài ra, đèn nhiệt cũng là một giải pháp hữu ích để giảm độ ẩm trong không gian này.
Chọn sai chất liệu sàn
Phòng tắm là môi trường có độ ẩm cao, thường xuyên tiếp xúc với nước nên cần chọn chất liệu sàn chống thấm, nhanh thoát nước như gạch gốm, sứ và vinyl. Ngược lại, các loại gỗ dù đắt nhưng không bao giờ là sự lựa chọn tốt nhất cho không gian này bởi khi sử dụng lâu dài, mục sàn là điều không không thể tránh khỏi.
Gạch gốm, sứ và vinyl là những chất liệu tốt nhất để lát sàn phòng tắm. Ảnh: Builddirect
Chọn sai loại sàn cho phòng tắm không chỉ tác động đến sàn, mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc cơ bản của lớp nền, lót và dầm.
Tự mình cải tạo toàn bộ phòng tắm
Nếu thông thạo các hoạt động xây dựng, chủ nhà có thể tham gia một số công việc như lát gạch, sơn tường, gắn tủ để đồ… Tuy nhiên, với các công việc đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn như dựng buồng tắm mới, lắp đặt hệ thống dây điện…, chủ nhà nên cân nhắc bản thân có thể xử lý được hay không bởi nếu tự cải tạo phòng tắm thất bại, nó còn tốn chi phí hơn việc tìm đến các chuyên gia.
Bắt đầu cải tạo từ phòng tắm chính
Trong quá trình cải tạo, chủ nhà sẽ gặp rất nhiều vấn đề như tràn sơn, rò rỉ nước… Do đó, trong các căn nhà có hai phòng tắm trở lên, việc cải tạo từ phòng tắm chính, được sử dụng nhiều nhất chỉ phù hợp khi chủ nhà có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, sửa chữa công trình. Theo đó, các phòng tắm nhỏ sẽ dễ tu sửa hơn, giúp chủ nhà lường trước được rủi ro.
Theo Nhật Lệ – Vnxpress