Covid-19 khiến nhiều khía cạnh trong cuộc sống thay đổi, bao gồm cả nhà ở. Có ba thay đổi chính được dự báo là sẽ xuất hiện ở các ngôi nhà Việt trong tương lai.
Văn phòng tại gia
Ngày nay, làm việc tại nhà dần trở nên phổ biến do tác động của đại dịch Covid-19. Trong trạng thái “bình thường mới”, mọi người sẽ mong muốn một phòng làm việc nhỏ được trang bị đầy đủ và tiện nghi ở ngay trong ngôi nhà của mình. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, một số văn phòng kiến trúc ở Việt Nam ghi nhận số yêu cầu thiết kế nhà kèm văn phòng làm việc tăng vọt. Ví dụ, tại công ty kiến trúc ROOM+ Design & Build, trong hai năm 2020 – 2021, số đơn hàng yêu cầu thiết kế văn phòng làm việc tại gia đã tăng trên 50%. Nhiều gia chủ đã hoàn thiện nhà trước đây cũng liên hệ để tích hợp thêm khu vực làm việc vào ngôi nhà của mình.
Một văn phòng làm việc tại gia kết hợp thư viện gia đình. Ảnh: ROOM+ Design & Build.
Văn phòng tại gia có thể được kết hợp với một thư viện gia đình và ở gần với phòng sinh hoạt chung, phòng khách, hoặc thậm chí là phòng ngủ, miễn là điều này phù hợp với nhu cầu.
Văn phòng nên được thiết kế hiện đại và ấm cúng, sáng sủa, thông thoáng và có cửa sổ nhìn ra ngoài, nhiều chỗ để đồ và gia chủ có thể ngồi thoải mái. Hệ thống kỹ thuật của không gian văn phòng cũng cần sẵn sàng đáp ứng cho các cuộc họp trực tuyến và điện thoại hằng ngày, bao gồm đường truyền Internet tốc độ cao, điện thoại bàn, máy tính cá nhân, thậm chí màn hình LCD gắn tường hoặc máy chiếu.
Không gian linh hoạt và đa năng
Trong bối cảnh người lớn làm việc ở nhà và trẻ con nghỉ học, các gia đình sẽ có nhiều hoạt động hơn bên trong ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội để mở rộng diện tích căn nhà đang ở hay đủ điều kiện để mua căn khác to hơn.
Các ý tưởng thiết kế linh hoạt và đa năng sẽ tối ưu hóa khả năng sử dụng của một diện tích không đổi. Quan trọng hơn, gia chủ có thể “biến hóa” không gian sống theo nhu cầu tại từng thời điểm khác nhau một cách dễ dàng nhất.
Phòng ngủ với giường thông minh và cửa trượt có thể dùng làm phòng làm việc khi cần. Ảnh: ROOM+ Design & Build.
Có nhiều thủ pháp thiết kế giúp tạo nên sự linh hoạt của không gian. Ví dụ, bố trí vách ngăn đóng mở quanh phòng ngủ để khi cần có thể mở ra, kết nối với phòng khách tạo thành một không gian lớn hơn hoặc phòng làm việc ban ngày được biến đổi thành phòng ngủ vào ban đêm. Các vật dụng nội thất thông minh như giường gấp kết hợp bàn làm việc, bàn ăn có thể kéo dài cũng tăng tính linh hoạt và góp phần định hình nên cá tính riêng của không gian nội thất.
Phát triển bền vững
Những năm gần đây, thay vì chọn ở khu trung tâm đô thị đông đúc, nhiều gia chủ chấp nhận đi xa để tận hưởng không gian nhiều cây cối, không khí trong lành.
Bên cạnh việc thay đổi về địa điểm, như mọi nơi trên thế giới, nhà ở Việt Nam sẽ có xu hướng bền vững hơn, thể hiện qua những yếu tố như:
Lựa chọn vị trí và quy mô xây dựng giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua các giải pháp thiết kế giúp tối ưu hóa không gian và thân thiện với cảnh quan thiên nhiên.
Khai thác vật liệu địa phương, ví dụ như các vật liệu gỗ, gạch, đất, đá có sẵn ở gần khu vực xây dựng để giảm thiểu chi phí sản xuất, vận chuyển và rác thải.
Sử dụng các vật liệu tái chế và thân thiện với môi trường, ví dụ như nguồn cây gỗ ngắn ngày thay thế cho gỗ quý hiếm, gạch không nung thay cho gạch đất nung, tái sử dụng các vật dụng bằng nhựa, kim loại, kính thay vì thải ra môi trường.
Tích trữ nước mưa và tái sử dụng nguồn nước thải sinh hoạt để dành cho việc tưới tiêu, làm vườn vào những mùa khí hậu khô nóng.
Tiết kiệm năng lượng và ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch nhờ các giải pháp thiết kế tối ưu hóa thông thoáng và lấy sáng tự nhiên, giảm lượng điện năng của máy lạnh và đèn điện; sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước nóng và chiếu sáng.
Một ngôi nhà nghỉ dưỡng ở có thiết kế theo các tiêu chí thiết kế bền vững như sử dụng vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng và ít tác động đến môi trường. Ảnh: ROOM+ Design & Build
Không chỉ đơn giản là một xu hướng, phát triển bền vững còn là phong cách sống đúng đắn và có trách nhiệm, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển xã hội và kinh tế lành mạnh. Thiết kế bền vững giúp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo tiện nghi sinh hoạt của con người.
Theo KTS Tạ Vĩnh Phúc (ROOM+ Design & Build)