4 CHI TIẾT ‘NGỐN BỘN TIỀN’ CỦA GIA CHỦ, CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI MUA

Ai cũng muốn căn nhà của mình được đầy đủ, tiện nghi, đặc biệt là những gia chủ đang chuẩn bị xây nhà hoặc cải tạo nhà. Tuy vậy, vẫn có những chi tiết thiết kế, những món đồ nội thất các gia chủ Việt nên cân nhắc trước khi quyết định sử dụng. Bởi dù đẹp mắt và tiện nghi đến đâu, rất có thể chỉ sau vài năm, những chi tiết đó sẽ trở thành gánh nặng về thời gian vệ sinh và kinh tế đối với cả gia đình.

1. Bỏ 400 triệu làm bể bơi trên mái, gia chủ vẫn phải tốn tiền đi bơi ngoài

Với mục đích chống nóng cho căn phòng ở tầng 4, anh Mạnh (42 tuổi, Bình Chánh, TP HCM) quyết định làm bể bơi trên mái nhà. Để làm thêm cái bể bơi rộng 36m2, sâu từ 0,7 – 1,4m này, anh phải bỏ ra 400 triệu, trong khi nếu chỉ xây ngôi nhà 4 tầng trên miếng đất có diện tích 70m2, anh chỉ tốn khoảng 1,7 tỷ đồng để hoàn thiện cơ bản.

Thời gian đầu, hai vợ chồng anh Mạnh và các con đều rất thích, lại đúng dịp nghỉ hè của tụi trẻ nên ngày nào anh cũng cùng 2 con bơi. Hết kỳ nghỉ, các con đi học lại, sáng ra tất bật, đến tối lại đi học thêm nên cả nhà gần như không còn thời gian xuống nước. Dù vậy, mỗi tháng, anh Mạnh vẫn phải trả 15 triệu để thuê dịch vụ làm vệ sinh bể bơi trọn gói. Hàng tuần, công ty dịch vụ sẽ cho người đến hút bụi bẩn, vớt rác trên mặt hồ, cọ rửa vệ sinh, sục khí clo làm sạch.

Gia chủ Việt nên cân nhắc xây dựng bể bơi trên mái để phù hợp với nhu cầu sử dụng thường xuyên của gia đình (ảnh minh họa)

“Có một tháng chúng tôi tạm ngưng dịch vụ vệ sinh. Chỉ sau nửa tháng, rong rêu xuất hiện, bụi, rác đọng lại, trông cái bể bơi cũ kỹ bẩn vô cùng” – anh Mạnh kể.

Sau vài lần đi du lịch, được bơi ở bể rộng và sâu, lại có quầy bar bán sinh tố, snack… các con của anh Mạnh lại càng không thích bơi ở bể trong nhà nữa. Hiện tại, anh Mạnh đã rút hết nước bể và đang suy nghĩ về phương án xử lý cho không gian này.

2. Chủ nhà khổ 3 năm vì bể cá tự xây

Vì còn thừa một khoảng trống trên mái nhà, gia đình chị Hải Yến (30 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh) quyết định dùng để xây bể cá. Bể có chiều dài 3,2m, rộng tầm 2m, nhưng độ sâu chỉ khoảng 30cm. Chị Yến cho biết, thời gian đầu, cả nhà rất hào hứng mua cá về nuôi, chủ yếu là cá vàng, sau này có thả thêm một ít cá Koi.

Bể cá có chiều sâu quá nông và hệ thống lọc nước kém khiến gia chủ vất vả trong quá trình nuôi cá và vệ sinh bể (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chị Yến và gia đình cảm thấy mệt mỏi và quá vất vả để duy trì vệ sinh cho bể cá. Trung bình cứ 2 tuần 1 lần, chị Yến phải bỏ ra 2 tiếng đồng hồ rửa bể vì nước xanh ngắt rêu. Trời nóng quá hay lạnh quá, cá đều thi nhau chết.

“Bể cá khiến cả nhà tôi chật vật 3 năm trời. Giờ tôi đang tính đổ đất vào trồng rau, nhưng nền gạch khiến nước không thoát được, giờ chưa biết để làm gì”, chị Yến nói.

3. Sofa đắt tiền nhưng chủ nhà vẫn “cả thèm chóng chán”

Lần đầu sở hữu nhà riêng, lại sống một mình ở một khu chung cư cao cấp, chị Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã mạnh tay đầu tư một bộ sofa da xịn nhập khẩu từ Italy có giá lên tới 100 triệu đồng.

Mua sofa quá đắt tiền trong khi không sử dụng thường xuyên khiến gia chủ cảm thấy tiếc nuối vì lãng phí (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thực tế là bộ sofa không được sử dụng nhiều vì chị Hân đi làm suốt ngày. Chỉ khi đến dịp lễ tết, hoặc khi có họ hàng, bạn bè đến chơi, bộ sofa cỡ lớn của chị Hân mới có dịp phát huy tác dụng. Chị Hân chia sẻ nhiều lúc cũng thấy tiếc vì bỏ ra quá nhiều tiền cho một món đồ xịn ít dùng. Nhưng nếu bán thanh lý, chị cũng thiệt đi một khoản tiền lớn nên vẫn giữ lại.

4. Gia đình bỏ phí hệ tủ tường gỗ sồi đóng hết trăm triệu

Sau gần 20 năm sống trong căn nhà cũ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), gia đình anh Nam quyết định chuyển sang căn hộ rộng 135m2 ở quận Hai Bà Trưng để thuận tiện cho việc đi làm của hai vợ chồng.

Khi đóng đồ nội thất cho căn hộ mới, anh Nam quyết định đầu tư hệ tủ lớn, kín nhiều mảng tường. Xác định ở căn chung cư này khoảng chục năm, anh Nam đề nghị KTS thiết kế tủ kệ bằng gỗ sồi chắc chắn. Ở khu vực phòng khách, phòng ngủ của ông bà, hai vợ chồng và các con đều có những hệ tủ sát tường cao từ sàn lên tới trần, chi phí hơn 100 triệu đồng.

Ngày chuyển về nhà mới, gia đình anh Nam hì hụi tháo dỡ rồi xếp tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân vào các ngăn tủ trong phòng mỗi người. “Tôi thấy thật kỳ diệu khi toàn bộ khối đồ khổng lồ đã biến mất sau các cánh cửa tủ. Căn nhà mới gọn gàng khác hẳn nơi ở cũ với quần áo, vật dụng, giày dép vứt khắp nơi” – anh Nam chia sẻ.

Lắp đặt quá nhiều hệ tủ cỡ đại có thể gây nhầm lẫn trong quá trình lưu trữ và lục tìm đồ đạc (ảnh minh họa)

Nhưng chỉ sau vài tháng, cả gia đình anh Nam đều quá mệt mỏi bởi hệ tủ chiếm trọn cả mảng tường có rất nhiều khoang với nhiều cánh cửa mở khiến ai cũng bị lẫn lộn. Bố mẹ anh Nam đã có tuổi, trí nhớ kém nên ông bà lại dồn hết đồ về khoang lớn nhất để tìm đồ cho nhanh.

Vợ anh Nam dành một buổi chiều để dán nhãn tất cả các ngăn giúp mọi người trong nhà tìm đồ nhanh gọn hơn. “Nhìn cả hệ tủ mới đẹp nhưng lổn nhổn những mẩu giấy dán mà tôi thấy chán ngán. Nhưng dù ngăn có mác đề hẳn hoi, mọi người trong nhà vẫn chỉ dồn đồ ở một vài khu vực vì ngại mở nhiều cánh cửa và treo móc mất thời gian” – anh Nam kể.

Kết luận

Trên đây là những ví dụ tiêu biểu mà các gia chủ Việt có thể tham khảo. Tuy nhiên, những ví dụ này chỉ mang tính tương đối. Quan trọng hơn cả vẫn là nhu cầu sử dụng thực tế của các gia chủ. Khi đã xác định được nhu cầu cốt lõi và lâu dài, các gia chủ Việt sẽ đưa ra quyết định đúng đắn và xứng đáng với giá tiền đã bỏ ra.

Tổng hợp (Nguồn: VNE)

Bạn thấy nội dung này hữu ích?

Bấm vào ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Hãy đánh giá nội dung.

Bình luận