NHỮNG CHỖ ”SIÊU BẨN” TRONG PHÒNG NGỦ

Trong khi cố gắng đem lại không khí thơm tho với máy khuếch tán tinh dầu, hoa tươi… nhiều người quên vệ sinh những nơi “siêu bẩn” trong phòng ngủ.

Tay nắm cửa, tay nắm tủ quần áo

Đây là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với tay của các thành viên trong nhà nhưng hiếm khi gia chủ nghĩ đến việc làm sạch nó. Tay nắm cửa trở thành vật trung gian chứa vi khuẩn, lan nhiễm sang quần áo, thiết bị… trong phòng ngủ. Khi lau dọn nhà, bạn nên lau kỹ các tay nắm trong phòng ngủ bằng khăn sạch để đảm bảo chúng không còn vi khuẩn bám lại.

Có rất nhiều vật dụng trong phòng ngủ là nơi dễ bám bụi

Thảm

Thông thường chúng ta để một chiếc thảm nhỏ để lau chân hay thảm lớn đặt sát chân giường để tăng tính thẩm mỹ cho phòng ngủ. Sản phẩm này mềm mại và khiến người dùng thoải mái khi đi chân trần, do đó, nó là lựa chọn phổ biến nhất cho phòng ngủ.

Tuy nhiên, thảm sẽ dễ bị bám bụi, phấn hoa, lông động vật, chất bẩn từ giày và chân, thậm chí nó có thể trở thành nơi trú ngụ của bọ chét nếu bạn nuôi thú cưng.

Theo các chuyên gia dọn vệ sinh gia đình, thảm cần được hút bụi hàng tuần và giặt sau vài tháng. Bạn còn có thể sử dụng các loại vật liệu thảm ít bám bụi như gỗ hoặc laminate.

Rèm, mành cửa sổ

Rèm là nơi hoàn hảo để tích tụ bụi bẩn, trong khi chúng ta khó có thể thay rèm thường xuyên. Tốt nhất bạn nên tháo chúng ra giặt tại nhà (nếu cân nặng cho phép) hoặc giặt khô, để đảm bảo rèm luôn sạch sẽ.

Trong trường hợp bạn dùng mành tre hoặc rèm cầu vồng, nên hút bụi rồi lau bằng khăn vải sợi nhỏ để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ, không bám bẩn.

Các công tắc đèn

Tương tự tay nắm cửa, các công tác đèn chính là những vị trí bạn liên tục sờ tay vào. Do đó, nên lau chùi chúng liên tục, cùng với tần suất lau dọn nhà mỗi ngày. Vì các công tắc đèn, ổ điện có thể hở điện nên bạn cần đeo găng tay, dùng khăn sạch, khô lau chúng.

Gối

Sau một ngày làm việc vất vả, bạn cảm thấy thật thoải mái khi vùi mình vào gối. Nhưng chiếc gối, nếu không được làm vệ sinh liên tục, sẽ nhanh chóng tích tụ quá nhiều tác nhân gây hại cho sức khỏe như vi khuẩn, bào tử nấm mốc và mạt bụi.

Gối nên được thay ít nhất một lần mỗi năm, trong trường hợp bạn không giặt được chúng. Nên sử dụng vỏ bọc để bảo vệ gối của bạn và thay vỏ gối vài ngày một lần.

Cây tiểu cảnh

Đặt chậu cây nhỏ trong phòng ngủ có thể giúp tăng sắc màu và thanh lọc không khí, nhưng đừng quên rằng đất của chúng sẽ trở thành nơi trú ngụ của nấm mốc bào tử, gây hại cho sức khỏe bạn, đặc biệt khi bạn tưới nhiều. Nếu bạn buộc phải để cây trong phòng ngủ, tốt nhất là nên hạn chế tưới, chỉ tưới khi phần bề mặt đất khô.

Robot hút bụi

Máy hút bụi các loại giúp dễ dàng xử lý bụi bặm, nhưng nếu bạn sử dụng máy hút không có bộ lọc HEPA, bụi, phấn hoa, cặn bẩn… dễ dàng bị bay ngược trở lại, hòa vào không khí phòng ngủ của bạn, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bạn.

Máy tạo ẩm (máy phun sương)

Đây là giải pháp tuyệt vời để giảm bớt hiện tượng không khí khô hanh trong nhà, nhưng nếu bạn quên thay nước hàng ngày hoặc không vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên, bạn có thể sớm phải đương đầu với tác động của nấm mốc, do nấm mốc tồn tại và phát triển trong chiếc máy. Cần thay nước máy tạo ẩm hàng ngày và vệ sinh máy kỹ càng ít nhất một lần mỗi tuần.

Đệm

Giống như gối, đệm chứa vảy da, chất dịch cơ thể, mạt bụi, vi khuẩn, các chất cáu bẩn… bám lại sau mỗi lần bạn nằm. Do đó, bạn cần vệ sinh đệm thường xuyên. Nên bảo vệ đệm bằng lớp vỏ. Khi trời nắng, nên mang đệm ra phơi, đều đặn thay bọc đệm.

Theo VNE/ Theo Spruce

Bạn thấy nội dung này hữu ích?

Bấm vào ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Hãy đánh giá nội dung.

Bình luận