BA CĂN NHÀ ỐNG ĐƯỢC GỘP THÀNH MỘT

SÓC TRĂNG – Sau cải tạo, ba căn nhà ống tối tăm trở thành một ngôi nhà lớn với sân vườn xanh mát và đầy ánh sáng.

Ba ngôi nhà nằm trên mảnh đất gần 235 m2, rộng lần lượt 91 m2, 96 m2 và 48 m2. Đây là nơi gia đình chủ nhà sinh sống từ nhiều thế hệ. Ngoài mục đích để ở, một phần diện tích để mở quán ăn lúc chiều tối.

Trước cải tạo, ba căn nhà có nhiều hạn chế như phòng ngủ nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, nóng bức, phòng tắm ẩm thấp và xuống cấp, không gian đi lại bị chia nhỏ, nhiều hành lang dài và tối, có đến hai cầu thang bộ dư thừa và chiếm diện tích sử dụng.

Đặc biệt, nhà không có sân vườn và xây sát vỉa hè. Do sợ ngập lụt, nền công trình được nâng tới hơn 1,2 m so với mặt đường, gây mất cân đối với bối cảnh. Mặt tiền cũng không đồng nhất và không tạo được điểm nhấn về hình khối, màu sắc.

  
Căn nhà trước và sau cải tạo.

Để tạo nên nơi ở tốt hơn cho vợ chồng gia chủ cùng hai con trai, phần đất trước nhà được hạ độ cao nền và bỏ mái che cũ để trả lại không gian sân vườn. Không chỉ làm nên mảng xanh thư giãn, khu vườn rộng khoảng 50 m2 tạo khoảng lùi cho công trình, hạn chế ảnh hưởng của tiếng ồn và bụi bặm bên ngoài. Dù hy sinh một khoảng đất không nhỏ, gia chủ vẫn hài lòng vì nhờ sân vườn, các phòng ở thoáng đãng, sáng sủa hơn nhiều.

Việc hạ phần đất trước nhà không gây lo ngại về ngập lụt bởi sân vẫn cao hơn vỉa hè và phía sau nhà vẫn giữ cao độ cũ.


Phần sân vườn là một trong các điểm nhấn chính của ngôi nhà sau cải tạo.

Trong nhà, tường ngăn ba ngôi nhà cũ được phá bỏ, mang tới không gian rộng lớn và liên thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài của gia chủ. Toàn bộ cấu trúc chịu lực chính như móng, đà, cột được giữ lại để hạn chế ảnh hưởng đến ngôi nhà.

Một cầu thang bộ ít sử dụng ở giữa nhà được thay bằng giếng trời rộng để lấy ánh sáng tự nhiên, giúp gia chủ gần như không sử dụng đèn vào ban ngày, cây xanh trong nhà cũng đủ điều kiện phát triển.

Muốn công trình mới lạ nhưng vẫn quen thuộc và hài hòa với bối cảnh xung quanh, nhóm thiết kế kết hợp mái ngói, vòm cửa cong, những ô cửa sổ lấy cảm hứng từ văn hóa Khmer và các món đồ nội thất cũ, chứa nhiều kỷ niệm với gia chủ như cặp lục bình, bộ bàn ăn dài bằng gỗ, bộ bàn trà tròn cạnh bếp, tủ chén bát dưới chân cầu thang.

Nội thất ngôi nhà được thiết kế hiện đại xen lẫn nét truyền thống Á Đông.


Tầng trệt là không gian mở, ngăn chia ước lệ bằng quầy bar, kệ treo rượu, các vòm dựa trên hệ cột cũ để tạo nên sự thông thoáng và tăng cường sự kết nối của các thành viên trong gia đình.

Kiến trúc sư Trần Công Danh, chủ trì thiết kế, cho biết công trình là một ví dụ về kiến trúc cải tạo ở Việt Nam hiện nay, nơi có vô số nhà ống với thiết kế không đồng nhất, kém hấp dẫn.

Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu cải tạo (mở rộng không gian, tăng tiện nghi), nếu gia chủ và kiến trúc sư thống nhất được thiết kế hợp lý, có nghiên cứu và ứng dụng về kiến trúc bền vững thì sẽ tạo nên các công trình thẩm mỹ, hài hòa, gia tăng mảng xanh và góp phần cải tạo bộ mặt của không gian đô thị.

Xem thêm hình ảnh về công trình bên dưới:

Mặt tiền nhà kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Mái ngói cùng các vòm cửa cong gợi lên ký ức quen thuộc về các ngôi nhà thời xưa cũ và hài hòa về hình thái kiến trúc với những công trình xung quanh.

Sân thượng được phủ xanh bằng các loại cây cỏ địa phương tạo cảnh quan sinh động và làm giảm bức xạ nhiệt tác động vào bên trong công trình.

Những viên gạch cũ từ thời Pháp thuộc được tái sử dụng, lát kiểu zic zac, giúp ngôi nhà nổi bật, dễ nhận diện từ xa. Gạch cũ kết hợp với hoa văn Khmer cách điệu cũng gợi nên nét truyền thống pha hiện đại.

Tầng trệt là không gian liên thông.

Phòng khách hiện đại với điểm nhấn là bức tường bê tông thô mộc treo bức tranh từ lá sen thật, gợi lên cảm giác thân thuộc của vùng quê đồng bằng Nam Bộ

Tủ bếp, đảo bếp, bàn ghế và một số vật dụng khác sử dụng gỗ tự nhiên có chứng chỉ khai thác từ rừng trồng.

Bên cạnh nội thất mới đóng, gia chủ tận dụng nhiều vật dụng cũ như bộ bàn trà.

Các bức tường hoa gió được bố trí ở những vị trí phù hợp để đón ánh sáng, thông gió tự nhiên mà vẫn đảm bảo riêng tư cho gia chủ

Một cầu thang cũ được sửa thành giếng trời.

Giếng trời đưa ánh sáng xuống bên dưới, giúp căn nhà ít phải dùng đèn điện và cây cối đủ điều kiện phát triển.

Toàn bộ góc khuất dưới gầm cầu thang được tận dụng làm tủ kính âm trưng bày các vật dụng cũ mang nhiều kỷ niệm của gia chủ.

Căn nhà khi lên đèn.

Theo Vnxpress

Bạn thấy nội dung này hữu ích?

Bấm vào ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Hãy đánh giá nội dung.

Bình luận